21/09/2020 11:30

Công nghệ sản xuất và ứng dụng vi tảo

Chủ biên: Đặng Đình Kim

Biên soạn: Trần Văn Tựa, Dương Thị Thủy, Bùi Thị Kim Anh, Vũ Thị Nguyệt, Nguyễn Hồng Yến

Nhà xuất bản: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ

Năm xuất bản: 2018

     Cuốn sách chuyên khảo “Công nghệ sản xuất và ứng dụng vi tảo” giới thiệu tới độc giả tổng quan chung về công nghệ sản xuất và ứng dụng sinh khối vi tảo trong các lĩnh vực khác nhau. Các tác giả tổng kết một cách hệ thống và cập nhật thành tựu nghiên cứu và ứng dụng vi tảo của các nhà khoa học Việt Nam trong vòng 40 năm qua. Trên cơ sở các thông tin nêu trên, cuốn sách sẽ đề cập tới các thách thức cũng như triển vọng của sản xuất và ứng dụng sinh khối vi tảo trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

  • Chương 1. Phân bố và đặc điểm sinh học của vi tảo, tập trung mô tả phân bố, phân loại và đa dạng các loài vi tảo kinh tế. Phần đặc điểm sinh học của vi tảo sẽ giới thiệu về cấu tạo tế bào, các đặc điểm sinh lý - hóa sinh cũng như vai trò của chúng trong tự nhiên.
  • Chương 2. Kĩ thuật phòng thí nghiệm nuôi cấy vi tảo

     Nhiều kĩ thuật nuôi cấy và giữ giống vi tảo sẽ được đề cập trong chương này. Đi từ kĩ thuật phân lập và xây dựng tập đoàn giống đến kĩ thuật giữ và nhân giống trong điều kiện phòng thí nghiệm, cuốn sách sẽ giới thiệu chi tiết các phương pháp nghiên cứu vi tảo như xác định tăng trưởng, đánh giá chất lượng sinh khối, kĩ thuật nuôi tăng tốc, kĩ thuật nuôi vi tảo sạch khuẩn,… Một số thiết bị nghiên cứu vi tảo thông dụng và hiện đại trong phòng thí nghiệm cũng sẽ được đề cập trong chương này.

  • Chương 3. Các loài vi tảo kinh tế

     Đây là chương quan trọng mô tả các đại diện vi tảo kinh tế chính đã và đang được thế giới cũng như Việt Nam quan tâm. Cuốn sách sẽ giới thiệu tóm tắt với độc giả các đặc điểm phân loại, phân bố, đa dạng loài, thành phần hóa học sinh khối, tình hình sản xuất đại trà trên thế giới và Việt Nam,… của các loài vi tảo kinh tế khác nhau.

  • Chương 4. Công nghệ sản xuất vi tảo là một trong các chương chính yếu của cuốn sách đề cập đến hiện trạng sản xuất vi tảo trên thế giới và Việt Nam. Các nội dung trong chương này bao gồm: lịch sử nghiên cứu, các kiểu bể phản ứng nuôi vi tảo quang tự dưỡng và dị dưỡng, các phương thức nuôi vi tảo, kĩ thuật quản lý bể nuôi tảo, cung cấp dinh dưỡng, kĩ thuật khuấy sục huyền phù, kĩ thuật thu hoạch và sấy sinh khối,…Những kết quả nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng một số loài vi tảo của các tác giả Việt Nam sẽ tập trung vào các chi Spirulina, Chlorella.
  • Chương 5. Ứng dụng vi tảo

     Những thông tin về ứng dụng sinh khối vi tảo, dinh dưỡng cho người và động vật, khai thác các hoạt chất sinh học, làm nhiên liệu sinh học,… đến việc ứng dụng một số loài để xử lí nước thải được trình bày chi tiết trong chương này.

  • Chương 6. Thao tác di truyền ở vi khuẩn lam và vi tảo

     Mặc dù các nhà khoa học trong hơn 20 năm vừa qua đã đạt được một số thành tựu trong nghiên cứu sinh học phân tử ở vi tảo, việc hiểu cơ chế điều khiển biểu hiện gen ở chúng vẫn là vấn đề lớn cần có các đầu tư chuyên sâu. Việc cải biến di truyền để thu nhận các chủng có năng suất cao, các đặc điểm sinh lý - hóa sinh quý, có các thông số công nghệ thích hợp trong nuôi đại trà ở bể hở hoặc bể kín, ít bị lây nhiễm,… luôn là đòi hỏi của công nghệ sản xuất vi tảo. Chương 6 sẽ giới thiệu với độc giả một số thành tựu khoa học liên quan đến vấn đề trên.

     Cuốn sách được phục vụ tại phòng Đọc - Mượn (tầng 1 nhà B) của Thư viện trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

     Trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc!

Lên đầu trang