Tin hoạt động

07/10/2020 10:55

Có một thư viện tư nhân như thế ở Việt Nam

Nhận lời mời của Chị Trà –Phó Giám đốc Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng từ hơn một tháng trước, song vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên mãi hôm qua 10/9, tôi mới có dịp ghé thăm Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng.

Với diện tích khiêm tốn khoảng 600 m2, nằm tọa lạc trên một con phố đẹp, có tên rất tây: Almaz Market, đường Hoa Phượng, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội, Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng ra đời và đi vào hoạt động đã gần 1 năm nay: lặng thầm, bình dị, giống nhiều thư viện tư nhân khác ở nước ta. Song có lẽ bất cử độc giả nào đến với thư viện này, cũng sẽ tỏ ra ngạc nhiên, thán phục chủ nhân của Thư viện: Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng và chứng kiến nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn của thư viện tư nhân này

Xuất phát từ đam mê nghiên cứu và tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong nhiều năm qua, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an-đã nghỉ hưu) cùng với bạn bè của ông đã dày công sưu tầm, thu thập các sách báo, thông tin, tài liệu, đặc biệt là những tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam; đã có hàng chục nghìn cuốn sách và các hiện vật, di vật của các liệt sĩ, bộ đội ta trong chiến tranh chống Mỹ được các cựu chiến binh Mỹ lưu giữ được đưa về Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu vô cùng phong phú và quí giá có thể cung cấp cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đồng thời hiểu rõ hơn những quyết định và tính toán sai lầm của đối phương trong cuộc chiến Việt Nam trong thế kỷ XX. Toàn bộ số sách báo, tài liệu, phim ảnh, hiện vật trên đã được đưa về trưng bày, lưu trữ tại tầng 2, tòa nhà Almaz Market, khu đô thị Vinhomes Riveside, quận Long Biên, Hà Nội. Ngày 12/7/2019, Sở Văn Hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Thư viện tư nhân mang tên ông Nguyễn Văn Hưởng.

Các tư liệu và hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng khá phong phú và đa dạng: Tư liệu dưới dạng sách, báo, tạp chí, chuyên san, bao gồm hơn 10.000 bản sách, chuyên san, ấn phẩm các loại (chủ yếu bằng tiếng Anh) của các tác giả là chính trị gia, nhà sử học, các quan chức chính phủ, các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ nghiên cứu, viết về chiến tranh Việt Nam và nhiều tờ báo, tạp chí của các viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Các tài liệu của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ như: Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ v.v.., tài liệu của các trung tâm, viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á tại các trường đại học nổi tiếng của các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga … cũng đã được sưu tập, số hóa và đưa vào hệ thống lưu trữ của thư viện; giúp cho việc tìm kiếm được nhanh chóng, thuận tiện và chính xác. Tư liệu dưới dạng văn bản kỹ thuật số gồm nhiều tài liệu được giải mật của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các trung tâm, viện nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á đã được số hóa, đưa vào hệ thống lưu trữ của thư viện. Tư liệu dưới dạng bản đồ, tranh cổ động và tem về Việt Nam, bao gồm hơn 2.500 bản đồ và tài liệu địa chí Việt Nam và Đông Nam Á từ xưa đến nay ở dạng số hóa (trong đó có 2 Bộ sưu tập bản đồ toàn thể lãnh thổ và các thành phố lớn của Việt Nam do Cơ quan Địa chính Hoa Kỳ và Quân đội Hoa Kỳ vẽ và ấn hành trong Chiến tranh Việt Nam); hơn 100 bức tranh cổ động về phong trào thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; bộ sưu tập tem Việt Nam và tem do thế giới phát hành nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam. Tư liệu dưới dạng Video, gồm gần 1.000 phim ảnh tư liệu về chiến tranh Việt Nam của các cơ quan truyền thông và cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các phim truyện quốc tế về Chiến tranh Việt Nam và nhiều CD-ROM ghi lại các bài hát quốc tế, đặc biệt các ca khúc phản đối chiến tranh Việt Nam của Đế quốc Mỹ trên khắp thế giới, bằng nhiều ngôn ngữ và được trình bày bởi các ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh thế giới. Ngoài ra, thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng cũng đã sưu tầm, tiếp nhận và trưng bày (như một bảo tàng thu nhỏ) các hiện vật là những tư trang, quân dụng và các đồ dùng, kỉ vật cá nhân của bộ đội ta (do cựu chiến binh Mỹ lấy được từ chiến trường Việt Nam và mang về Mỹ), nhằm tôn vinh sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ, bộ đội ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nướ,c bảo vệ Tổ quốc và góp phần giúp các gia đình gặp lại người thân của mình qua những tấm ảnh, thư từ và kỷ vật….

Có thể khẳng định, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng ra đời mới đây chưa lâu, song đang chứa đựng những tư liệu rất quí giá về lịch sử Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là nét độc đáo nhất của thư viện Nguyễn Văn Hưởng, mà không một thư viện tư nhân nào ở Việt Nam có được. Những tài liệu có trong Thư viện Nguyễn Văn Hưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc làm sáng rõ nhiều vấn đề của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử quan hệ với các nước lớn trên thế giới. (Được biết, để có số tư liệu vô cùng quý hiếm này, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã bỏ công ra sưu tầm, tích lũy từ hàng chục năm nay. Ý thức trách nhiệm cao của ông với Tổ quốc và sự đam mê của ông đã được những người bạn ông ở nhiều quốc gia thấu hiểu và ủng hộ, chia sẻ. Họ đã lặng lẽ sưu tập giúp ông những tài liệu và lặng lẽ chuyển về nước cho ông mà không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi hoặc thù lao nào).

Khi tới thăm thư viện Nguyễn Văn Hưởng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn đã phải thốt lên: “Thực sự đây là một sự bất ngờ lớn của tôi. Bất ngờ đầu tiên đây là thư viện của một cá nhân. Bất ngờ thứ hai là khối lượng của những tác phẩm, tài liệu, sách và những hiện vật khác trong thư viện này. Thư viện Nguyễn Văn Hưởng có lẽ là một thư viện đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam và cũng là thư viện rất đặc biệt trên thế giới. Một thư viện mà ở đó bao gồm toàn bộ những nghiên cứu trong mọi loại hình của văn học, của tư liệu, của ghi chép, của phỏng vấn và thậm chí là tài liệu giải mật khác về 1 cuộc chiến tranh lớn nhất trong thế kỷ 20 của nhân loại. Chúng ta có thể hy vọng rằng từ cơ sở thư viện Nguyễn Văn Hưởng, sẽ có một thư viện về chiến tranh Việt Nam . Đến một ngày nào đó thư viện sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nghiên cứu về chiến tranh”.

Hiện tại và tương lai, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng cũng đã thiết lập chương trình hoạt động trong thời gian tới: với phương châm tiếp tục tìm kiếm, bổ sung các nguồn tư liệu, sách báo, hiện vật, các ấn phẩm ở trong và ngoài nước, nhằm tăng số đầu sách trong thư viện; biên dịch, xuất bản các cuốn sách có giá trị phục vụ cho bạn đọc; mở rộng quan hệ với các trung tâm tư liệu, thư viện, bảo tàng, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để trao đổi, hợp tác cùng phát triển dựa trên nhu cầu của xã hội./.

Thư viện mở cửa rộng rãi cho tất cả mọi người. Quý bạn đọc vui lòng mang theo CMT nhân dân/CCCD khi tới Đăng ký làm thẻ tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.

GS. TS Đặng Vũ Minh (trái), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, và Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng kéo băng rôn khai trương Thư viện (tháng 10/2019)

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) trao Giấy chứng nhận hoạt động cho ông Hoàng Ngọc Giản, Giám đốc Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (tháng 10/2019)

Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện VN cùng Ông Nguyễn Văn Hưởng tham quan thư viện (ngày 10/9/2020)

Một góc Thư viện-Bảo tàng Nguyễn Văn Hưởng

Lên đầu trang