Tin hoạt động

02/03/2021 10:15

Tỏa sáng niềm đam mê

QĐND - Chiến tranh nổ ra tại Iraq từ năm 2003 rồi sau đó là cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tàn phá gần như toàn bộ quốc gia Trung Đông này. Thủ đô Baghdad, nơi từng là trung tâm văn hóa của thế giới Arab, cũng không tránh khỏi vòng xoáy nghiệt ngã đó. Tuy nhiên, vẫn có một địa điểm tại “Thành phố nghìn lẻ một đêm” thể hiện tinh thần vươn lên và nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương, đó là phố sách Mutanabbi.

Cứ vào mỗi thứ sáu hàng tuần, phố Mutanabbi-mang tên một nhà thơ nổi tiếng của Iraq sống vào thế kỷ thứ 10-lại ngập tràn sách.

Mutanabbi là một trong những con phố lâu đời nhất ở Baghdad, được hình thành dưới thời đế chế Abbasid Caliphate (750-1258). Không ai biết chính xác thời gian xuất hiện những hiệu sách trên phố Mutanabbi, nhưng người ta chắc chắn rằng Mutanabbi là phố sách đầu tiên của Baghdad. Dọc con phố nằm bên bờ sông Tigris là những cửa hiệu sách san sát cùng nhiều sạp sách ngoài trời. Sách được bày tràn ra vỉa hè, xếp từng chồng cao trên bàn hay những chiếc xe đẩy, đặt đầy ắp các kệ trong cửa hiệu. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn tận dụng cả khoảng trống ở khe cửa sổ để bày sách.

Người bán sách ở đây liên tục mời chào các “con mọt sách” bằng những “lời có cánh” về các đầu sách ở gian hàng của mình, từ những bản viết tay ở thế kỷ trước cho đến những cuốn sách mới xuất bản. Khách đến phố Mutanabbi cũng rất đa dạng, họ có thể là các chính trị gia, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ và cả dân thường. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng mặc cả của người bán, kẻ mua kéo dài từ sáng tới tối không ngớt…

Đứng trước khung cảnh nhộn nhịp nhưng bình yên ấy, người ta khó có thể hình dung là chỉ hơn 10 năm trước, phố sách Mutanabbi từng phải chứng kiến một vụ đánh bom xe tự sát nghiêm trọng. Vụ đánh bom vào đầu tháng 3-2007 đã làm 38 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, nhưng không có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm. Một nhân chứng kể lại quang cảnh đầy tang thương hôm đó: “Giấy bay lên từ chợ sách lơ lửng trong không khí như thể truyền đơn được thả xuống từ máy bay. Sách vở còn vương máu của các nạn nhân thì nằm ở khắp mọi nơi”.

Những tưởng khu chợ bán sách truyền thống ở Baghdad sẽ chỉ còn là dĩ vãng sau vụ việc đó. Ấy vậy mà nó đã “hồi sinh” một cách thần kỳ trong thời gian ngắn. Maher Abu Hissam, chủ một hiệu sách nhỏ ở phố Mutanabbi vẫn còn nhớ những ngày đầy khó khăn nhưng đáng nhớ của những người kinh doanh sách như ông. May mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” từ vụ đánh bom tự sát, hầu hết những chủ hiệu sách và sạp sách đều không hề nản lòng và xác định sẽ tiếp tục “sống với nghề, gắn bó với nghề”, một phần vì kế sinh nhai và đa phần là bởi niềm yêu sách. Ông Maher Abu Hissam nói rằng, người Baghdad vốn yêu văn chương, yêu sách và hay đọc sách. Thế nên, không thể chỉ vì xung đột leo thang mà họ-những người đã gắn bó lâu năm với con phố Mutanabbi-“cam lòng” đánh mất bản sắc truyền thống của cộng đồng dân cư nơi đây. Và giữ được phố sách Mutanabbi cũng chính là góp phần tái xây dựng hình ảnh về một Baghdad tươi đẹp thời hậu chiến.

Có cầu ắt có cung, cùng với công tác đảm bảo an ninh trên đường phố của chính quyền được cải thiện, phố sách Mutanabbi đã trở lại cuộc sống thường nhật. Người bán dần dà đã gây dựng lại cơ ngơi, còn người mua tiếp tục được thỏa niềm đam mê với sách. Dù vẫn chưa thể trở về với “thời kỳ hào quang” trước đây, nhưng bất chấp những nguy cơ bạo lực và điều kiện kinh tế thời hậu chiến còn đang khó khăn, những người yêu sách vẫn thường xuyên lui tới Mutanabbi để mua bán, trao đổi và giao lưu văn hóa.

Một niềm vui nữa của ông Maher Abu Hissam và những người trong nghề đó là phố sách Mutanabbi ngày càng trở nên hấp dẫn đối với những bạn đọc trẻ tuổi. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị di động thông minh và độ phủ sóng internet rộng rãi hơn, giới trẻ Baghdad đang bắt kịp xu thế của thế giới. Tuy nhiên, vẫn có thể dễ dàng bắt gặp ở Mutanabbi hình ảnh những nam thanh, nữ tú dành cả giờ đồng hồ tại một sạp sách chỉ để tìm cho được quyển tiểu thuyết ưng ý nhất. Ông Maher Abu Hissam ví những người trẻ yêu sách như những “hạt giống đỏ” giúp lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội.

Từ phố Mutanabbi, người dân Baghdad đã truyền đi thông điệp cho thế giới thấy rằng cuộc sống ở Iraq sẽ vẫn tiếp diễn, không có chiến sự hay xung đột nào có thể làm mai một tình yêu sách và văn hóa đọc của họ. Hoạt động của chợ sách Mutanabbi từ nhiều năm qua đã minh chứng cho điều đó và làm sống lại ngạn ngữ: Trong thế giới Arab, sách được viết ở Cairo, xuất bản tại Beirut và đọc ở Baghdad.

VĂN HIẾU

Lên đầu trang