Tin hoạt động

10/02/2020 03:54

Hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện

Chiều 07/2, tại Hà Nội, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Cuộc họp Ban soạn Thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.

Đồng chủ trì cuộc họp có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy – Trưởng Ban Soạn thảo và bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Phó trưởng Ban Soạn thảo; tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, Ban, ngành là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.

Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện gồm 3 Chương, 31 Điều:

Chương 1, Những quy định chung gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Chương 2, Những quy định cụ thể, gồm 4 mục: 

Mục 1, Tài liệu cổ, quý hiệm, các bộ sưu tập có giá trị đặc biệt: Tài liệu cổ; tài liệu quý hiếm; bộ sưu tập có giá trị đặc biệt. 

Mục 2, Thư viện có vai trò quan trọng: Tiêu chí xác định thư viện có vai trò quan trọng; trách nhiệm của thư viện có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư. 

Mục 3, Phòng đọc cơ sở, không gian đọc: Tiêu chí xác định phòng đọc cơ sở, không gian đọc; quyền và trách nhiệm của phòng đọc cơ sở, không gian đọc. 

Mục 4, Điều kiện thành lập thư viện: Điều kiện thành lập thư viện cấp tỉnh; Điều kiện thành lập thư viện cấp huyện; Điều kiện thành lập thư viện cấp xã; Điều kiện thành lập thư viện đại học; Điều kiện thành lập thư viện cơ sở giáo dục mần non, cơ sở giáo dục phổ thông; Điều kiện thành lập thư viện cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Điều kiện thành lập thư viện thuộc cơ quan nghiên cứu khoa học; Điều kiện thành lập thư viện của các cơ quan, tổ chức; Điều kiện thành lập thư viện lực lượng vũ trang; Điều kiện thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Điều kiện thành lập thư viện cộng đồng; Điều kiện thành lập thư viện của tổ chức, cá nhân có người nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. 

Mục 5, Trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động: Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động thư viện; Trình tự, thủ tục buộc chấm dứt hoạt động thư viện. 

Mục 6, Liên Thông thư viện: Nguyên tắc liên thông thư viện: Hợp tác trong thu thập, bổ sung và sử dụng tài nguyên thông tin; Chia sẻ kết quả xử lý chuyên môn, nghiệp vụ biên mục và sản phẩm thông tin thư viện; Liên kết triển khai dịch vụ liên thư viện; Xây dựng mục lục liên hợp; Trách nhiệm của thư viện trong liên thông thư viện.

Chương 3, Điều khoản thi hành gồm: Hiệu thực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Tại cuộc họp, bà Ngà cho biết: Tất cả các nội dung khi xây dựng Dự thảo Nghị định đều bám sát Luật Thư viện gồm: Thư viện có vai trò quan trọng được ưu tiên đầu tư; Tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học (Khoản 4 Điều 05); Không gian đọc, phòng đọc cơ sở (Khoản 4 Điều 6); Điều kiện thành lập thư viện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 18 (Khoản 2 Điều 18); Trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện (Khoản 5 Điều 22) và Liên thông thư viện (Khoản 4 Điều 29).

Theo tiến độ 15/4, Dự thảo Nghị định sẽ phải trình Chính phủ xem xét. Vì vậy, Ban thường trực mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đóng góp ý kiến, để Tổ thư ký gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện đăng Cổng thông tin lấy ý kiến rộng rãi theo đúng quy định.

Đặc biệt, bà Ngà đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đóng góp trọng tâm vào một số nội dung chính như: Vấn đề liên quan đến các tiêu chí của thư viện có vai trò quan trọng, tiêu chí liên quan đến điều kiện thành lập thư viện và cũng như vấn đề về liên thông thư viện. 

Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đánh giá cao vai trò và sự cố gắng nỗ lực của Vụ thư viện trong việc xây dựng tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết số điều của Luật Thư viện. Đồng thời các thành viên cũng khẳng định Dự thảo Nghị định đã bám sát các điều, khoản, điểm của Luật được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Các đại biểu cũng tích cực đóng góp ý kiến cho một số nội dung trong Dự thảo Nghị định. Trong đó, đánh chú ý là ý kiến đóng góp của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ tư Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Cục Văn thư Lưu trữ… 

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp trách nhiệm và tâm huyết, xác định thời gian không còn nhiều, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, có những góp ý cụ thể hơn bằng văn bản, gửi về Tổ thư ký (Vụ Thư viện) trong thời gian sớm nhất, để tổng hợp hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết số điều của Luật Thư viện theo đúng thời gian quy định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Lên đầu trang