Nghiên cứu trao đổi

24/04/2019 04:48

LUẬT THƯ VIỆN ĐƯỢC BAN HÀNH SẼ GÓP PHẦN TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THƯ VIỆN

Sáng ngày 13/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình dự án Luật Thư viện (Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTTDL ) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở.

Mặc dù có sự phát triển về số lượng, cải thiện về chất lượng nhưng hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thỏa mãn được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân.

Nhiều thư viện ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện còn hạn chế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, thư viện chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo trong công tác...

Pháp lệnh Thư viện hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, bên cạnh đó, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.

Vì thế, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Góp ý về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng hoạt động thư viện có những năm phát triển rất mạnh, gắn với phong trào đọc nhưng những năm gần đây cảm nhận có sự lãng quên, xuống cấp. Ông chia sẻ mình đã đi nhiều nước và dù là nước rất giàu thì họ cũng không khoe GDP bình quân đầu người bao nhiêu, giàu thế nào mà thường mời đến xem các thư viện như thư viện Quốc hội, thư viện đại học...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thư viện (Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần dày công nghiên cứu để quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Góp ý về dự thảo Luật, Tổng thư ký, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trước hết cần đánh giá thực trạng về mạng lưới thư viện, từ cấp xã, huyện. Ông Phúc cũng hy vọng rằng sự ra đời của Luật sẽ khuyến khích văn hóa đọc.

Theo ông Phúc, trong dự thảo Luật cũng cần phải có chế độ chính sách cho sự phát triển của thư viện số và có hình thức khai thác, quản lý tốt loại hình thư viện mới này cho thời đại khoa học công nghệ này.

Hoan nghênh sự chuẩn bị tích cực của ban soạn thảo dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh hy vọng thông qua việc nâng cấp từ Pháp lệnh Thư viện lên Luật Thư viện, sẽ giải quyết được bài toán khó là thay đổi văn hóa đọc hiện nay.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước là làm sao nâng cao văn hoá đọc của người dân, do đó, việc nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật Thư viện để phát triển hoạt động thư viện là rất cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Ban soạn thảo đã rất nghiêm túc, công phu trong công tác chuẩn bị; các ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đáng quan tâm và Ban soạn thảo cần phân tích, sàng lọc để hoàn thành dự thảo. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trong phiên họp vào tháng 4/2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe dự án Luật thêm một lần nữa trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

Hà Giang

(Nguồn: toquoc.vn, ngày 13/3/2019)

Lên đầu trang