Cùng với sự phát triển của xã hội, các thiết chế văn hoá trong đó có thư viện cũng đang trong quá trình thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng thế hệ người sử dụng (NSD) thư viện mới và phục vụ tốt hơn NSD thư viện hiện tại góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho cộng đồng. Từ mô hình thư viện truyền thống với sự hình thành bởi bốn yếu tố: trụ sở, vốn tài liệu, NSD và người làm thư viện (NLTV), đến nay đã phát triển thêm loại hình thư viện số (digital library), thư viện 2.0 (library 2.0) hay còn được gọi một cách hình tượng là thư viện không nóc (library without roof) hoặc thư viện không tường (library without walls). Thế hệ thư viện mới này đang dần khẳng định tính ưu việt bằng sự thay đổi các mô hình dịch vụ, sự truy cập tài nguyên và tiện ích cho cộng đồng NSD. Với tính năng nhỏ gọn và có thể tổ chức tra cứu nhanh, chính xác và đầy đủ, đã có lúc, một số nhà thư viện học cho rằng tài liệu số có thể sẽ thay thế tài liệu giấy. Nhưng cho đến nay, tài liệu giấy vẫn là vật mang tin chủ yếu với những đặc tính mà tài liệu số chưa thể thay thế được ở cả giác độ bổ sung, khai thác và bảo quản. Và như vậy, vốn tài liệu thư viện hiện nay và trong thời gian tới sẽ là vốn tài liệu lai (hybrid collection) được phát triển trong thư viện lai (hybrid library). Ngày nay, người đến thư viện không chỉ để đọc tài liệu như thời gian trước, mà còn sử dụng các tiện ích và dịch vụ khác hay với mục đích tham quan và thư giãn giải trí. Do vậy, trụ sở thư viện truyền thống là các toà nhà trong khuôn viên với thiết kế chỉ tập trung vào công năng sử dụng và đảm bảo an ninh sẽ là lỗi thời và thay vào đó để đáp ứng nhu cầu trên, tổ chức không gian lấy NSD thư viện làm trung tâm với môi trường xanh, dịch vụ thân thiện làm nền tảng sẽ là hướng tiếp cận mới góp phần cải thiện môi trường phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho NSD phát huy sáng tạo, phát triển các tiềm năng sẵn có một cách toàn diện. Bắt đầu từ đây, trong lĩnh vực thư viện xuất hiện khái niệm “thư viện xanh” (green library).
“Thư viện xanh” là gì?
Cùng với thư viện 2.0, thư viện xanh đang là xu thế phát triển của các thư viện hiện đại trong thế kỷ XXI. Với ý nghĩa là thư viện được thiết kế và xây dựng sao cho giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và tối đa hoá chất lượng môi trường trong nhà bằng cách lựa chọn địa điểm thích hợp, sử dụng vật liệu kiến trúc thiên nhiên và sản phẩm phân huỷ sinh học, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bảo tồn các nguồn tài nguyên và xử lý chất thải, thư viện xanh còn được gọi là thư viện bền vững, thư viện thân thiện.
Thực tế, ý tưởng “thư viện xanh” bắt nguồn từ Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, phải đến 10 năm trở lại đây, phong trào xây dựng thư viện xanh mới được phổ biến và trở thành xu hướng của thế giới trong việc kiến tạo môi trường thư viện bền vững. Đến nay, trên thế giới, việc xây dựng mới và cải tạo môi trường thư viện thân thiện, phát triển bền vững đang ngày càng đạt được thông qua LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) - Hệ thống đánh giá phát triển và quản lý bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ với 05 tiêu chí đánh giá: vị trí toà nhà, bảo tồn tài nguyên nước, hiệu quả năng lượng tự nhiên, vật liệu thân thiện, chất lượng không khí và 01 tiêu chí ưu tiên là đổi mới trong thiết kế bền vững.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, các thuật ngữ “xanh”, “bền vững” và “thân thiện” được sử dụng không chỉ liên quan đến ý thức hành động vì mục tiêu văn hoá của con người làm hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sự suy giảm dài hạn các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn phản ánh cách thức hoạt động, phục vụ gần gũi, thân thiện với môi trường, với cộng đồng xung quanh.
Vì sao phải xây dựng “thư viện xanh”?
Các thư viện ngày nay đang dần thoát khỏi hình ảnh lỗi thời, lạc hậu, mong muốn khẳng định ảnh hưởng, sứ mệnh của mình như một phần quan trọng của cộng đồng. Với những bước chuyển mình từ chức năng là một trung tâm thông tin sang trung tâm văn hoá, thư viện phải có những hành động, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của thời đại. Có rất nhiều lý giải tại sao nhiều thư viện trên thế giới muốn xây dựng, tạo lập không gian xanh, môi trường thân thiện bởi: chi phí xây dựng phù hợp với nguồn lực tài chính trung bình của đại đa số các thư viện do sử dụng các nguồn lực và vật liệu gần gũi tự nhiên, tận dụng được nguồn năng lượng thiên nhiên trong quá trình vận hành thư viện, cải thiện môi trường không khí trong lành của toà nhà, cách thức phục vụ thân thiện... là những điểm nhấn khác biệt thu hút NSD thư viện đến nơi đây thay vì khai thác tài liệu qua mạng thông tin.
Cùng tư duy hiện đại và tiến bộ của khoa học công nghệ, xây dựng bền vững không còn là một khái niệm không tưởng. Thiết kế xanh giúp thể hiện nó cụ thể hơn qua những thiết kế thông minh và thẩm mỹ được hỗ trợ bởi công nghệ vật liệu mới, tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng tự nhiên, hình ảnh màu xanh lá cây truyền tải tới cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường và hơn thế để đặt nền móng phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai.
Làm thế nào để trở thành một “thư viện xanh”?
Thách thức lớn nhất của các thư viện hiện nay là làm thế nào để cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu của NSD thư viện và xu hướng xây dựng không gian thân thiện mà cộng đồng muốn hướng tới. Ví dụ trong môi trường bảo quản, sách phải được giữ gìn tránh xa nhiệt độ khắc nghiệt, độ ẩm, các tia cực tím có hại của ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên ngược lại, nhiều NSD và khách thăm thư viện cho rằng ánh sáng mặt trời là ánh sáng tốt nhất cho việc đọc và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế “thư viện xanh” bởi vì nó có thể được sử dụng để hạn chế sự phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo… Do vậy để tạo lập một không gian “xanh” bền vững trong thư viện, cần tổng hoà của nhiều tiêu chí:
- Lựa chọn địa điểm: Việc tìm kiếm một địa điểm để xây dựng phù hợp với chức năng của thư viện là điều kiện quan trọng đầu tiên. Cơ sở hạ tầng cần đảm bảo cho việc thiết lập kho tàng lưu giữ, vị trí được lựa chọn cần thuận lợi cho NSD và khách thăm đến thư viện bằng phương tiện cá nhân hay giao thông công cộng và đặc biệt địa điểm xây dựng không làm phá vỡ cảnh quan sinh thái thân thiện sẵn có của môi trường tự nhiên.
- Bảo tồn nước: Cần trang bị những hệ thống tái tạo, tận dụng lại nguồn nước từ thiên nhiên (nước mưa) để sử dụng trong hoạt động tưới tiêu, chăm sóc môi trường cây xanh xung quanh…
- Bảo tồn năng lượng: Đây có thể coi là tiêu chí quan trọng nhất liên quan đến phát triển bền vững. Các nhà thiết kế của thế kỷ XXI cần tính tới nguồn năng lượng bên ngoài và tận dụng nó để vận hành toà nhà thư viện bằng việc một mặt thực hiện theo các nguyên tắc thiết kế thụ động đã lạc hậu, một mặt ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện có. Các thiết kế thụ động luôn sử dụng các yếu tố tự nhiên, chủ yếu là gió và mặt trời để quản lý nhiệt độ và cung cấp hệ thống thông gió và ánh sáng. Ngày nay nó được kết hợp với các thành tựu khoa học kỹ thuật để tối đa hoá hiệu quả năng lượng thông qua giải pháp sử dụng hệ thống cảm biến hay các tế bào quang điện để giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống nhân tạo kiểm soát môi trường.
- Vật liệu xây dựng: Xu hướng tận dụng các nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng phục vụ lĩnh vực xây dựng đang ngày càng cần thiết trong tương lai khi nguồn tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, với sự dồi dào của nguồn vật liệu xây dựng “xanh” cùng chi phí phù hợp, việc xem xét để lên kế hoạch đầu tư xây dựng sẽ mang lại tính khả thi hơn.
- Chất lượng không khí trong nhà: Một “thư viện xanh” không chỉ liên quan đến việc chăm sóc môi trường mà nó còn tác động tích cực đáng kể đến sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần của những người làm việc trong đó và NSD nó. Do đó, các toà nhà “xanh” cần phải được thiết kế sao cho không khí được lọc kháng khuẩn và lưu thông thường xuyên.
Thông qua hệ thống LEED, rất nhiều thư viện trên thế giới đã được công nhận là “thư viện xanh”, điển hình như Thư viện công cộng Fayetteville (Arkansas - Hoa Kỳ) sử dụng gần như 99% các chất thải xây dựng đã được tái chế hoặc tái sử dụng, 65% nguyên vật liệu được sử dụng là tài nguyên địa phương, nước mưa thu lại trên mái nhà được tận dụng để chăm sóc cảnh quan, nhiệt độ trong nhà luôn duy trì ở mức trung bình 20oC, ánh sáng mặt trời chiếu sáng 75% không gian công cộng trong toà nhà, tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng 4.000 USD/ năm do sử dụng mái nhà màu xanh lá cây và vật liệu lợp từ tự nhiên; Thư viện Quốc gia Singapore còn được gọi là toà nhà xanh nhất trên hành tinh được thiết kế sử dụng hệ thống kệ ánh sáng cảm biến cho phép điều chỉnh ánh sáng tự nhiên và nhân tạo trong toà nhà (làm mờ hoặc làm sáng đèn, nâng cao hay hạ thấp độ sáng) để tối đa hoá sự thoải mái cho NSD thư viện và giảm chi phí toà nhà trong trường hợp ánh nắng mặt trời đảm bảo đủ sáng hay không, các vật liệu sử dụng tại đây đều là đồ tái chế; Thư viện công cộng Calgary (Alberta-Canada) là toà nhà đầu tiên xây dựng theo xu hướng thiết kế bền vững tại thành phố này với sự kết hợp nguồn năng lượng thiên nhiên và vật liệu thân thiện môi trường để đảm bảo nhu cầu sưởi ấm, ánh sáng và bảo tồn nước…
Bên cạnh các tiêu chí xây dựng một không gian “xanh” bền vững thì cần thiết tạo lập môi trường đọc thân thiện với NSD. Đây là môi trường không phải là cái tự nhiên vốn có mà nó hình thành trên cơ sở “hoạt động của các quan hệ giữa NLTV và NSD thư viện trong quá trình phục vụ”, được thể hiện qua thái độ phục vụ, những hành vi ứng xử của NLTV đối với NSD thư viện, đảm bảo sự hài hoà giữa nhu cầu thông tin của NSD và khả năng đáp ứng thông tin của thư viện, là cầu nối giữa NSD với vốn tài liệu thư viện.
Nói tới không gian thân thiện trong thư viện, trước kết phải nói tới bố trí không gian phù hợp tạo điều kiện tối đa cho NSD. Qua khảo sát, người ta thấy rằng, xu hướng hiện nay của NSD thư viện là nghiên cứu nhóm và cá nhân hoá. Thư viện phải tạo không gian chung cho nhóm nghiên cứu, có thể tranh luận mà không ảnh hưởng tới NSD khác. Bên cạnh đó, không gian riêng cho cá nhân cũng cần lưu ý. Sự cần thiết phải cá nhân hoá dịch vụ thư viện là bất biến trong lịch sử thư viện. Một trong những phương pháp tiếp cận trong cá nhân hoá dịch vụ thư viện là khái niệm ”My Library (Thư viện của tôi)” xuất hiện đầu thập niên 2000. Bởi vì trong xã hội hiện đại, NSD thư viện đã quen nhận được các dịch vụ tuỳ biến, họ cũng yêu cầu dịch vụ tương tự từ thư viện. Họ muốn dịch vụ thư viện duy nhất phù hợp cho nhu cầu cá nhân và hoàn cảnh của họ trong khi vẫn tạo cho họ cơ hội để tương tác với NSD khác của thư viện và để hình thành hoặc tham gia các nhóm nhằm làm phong phú thêm kinh nghiệm của họ. Cá nhân hoá dịch vụ thư viện đạt được thông qua việc thiết kế, quản lý và phân phối nội dung dựa trên thông tin được biết đến, được quan sát thấy và dự báo. Với các thư viện hiện đại, "không gian" không chỉ bao gồm toà nhà và khuôn viên thư viện, mà còn có "không gian ảo" trên mạng. Môi trường thân thiện trên mạng chính là giao diện thân thiện, dễ sử dụng, trong đó các dịch vụ tương tác giữa NSD và thư viện là đặc trưng cơ bản của thư viện 2.0. Nhiều học giả đã đề xuất hơn 10 nguyên tắc trong khái niệm về thư viện 2.0. Tuy nhiên, có bốn nguyên tắc dưới đây đã được chấp nhận bởi đa số và là hướng dẫn quan trọng trong nghiên cứu lý thuyết cũng như thực hành thư viện 2.0: Thư viện ở khắp nơi; Thư viện không rào cản; Thư viện mời tham gia (tương tác); Thư viện sử dụng tốt nhất tính linh hoạt của hệ thống. Nếu như thư viện 2.0 là thư viện tương tác thì thư viện 3.0 là thư viện ngữ nghĩa. Thư viện 3.0 được nêu ra từ năm 2006, đề cập đến việc sử dụng các công nghệ mới nổi như web ngữ nghĩa, điện toán đám mây, thiết bị di động và các công cụ thiết lập như hệ thống tìm kiếm liên kết, để tạo điều kiện phát triển, tổ chức và chia sẻ nội dung do NSD tạo ra thông qua hợp tác liền mạch giữa NSD, chuyên gia và NLTV. Mục tiêu chính của thư viện 3.0 là để thúc đẩy và làm cho bộ sưu tập thư viện có thể truy cập, tìm kiếm và sử dụng rộng rãi. Kết quả cuối cùng của thư viện 3.0 là sự mở rộng của “thư viện không biên giới”, nơi các bộ sưu tập luôn sẵn sàng để NSD có thể truy cập mọi lúc ở mọi nơi. Người ta đã nêu ra các nguyên tắc cơ bản của thư viện 3.0 là: Thư viện thông minh; Thư viện có tổ chức; Thư viện là một mạng lưới liên kết các dòng thông tin; Thư viện có trợ thủ; Thư viện là “thư viện của tôi”.
Không gian thân thiện trong thư viện còn liên quan tới NLTV. Trong các thư viện hiện đại, vai trò của NLTV đã thay đổi. Một số học giả đã đề cập đến các vai trò khác nhau của NLTV trong môi trường số: NLTV như là trung gian tìm tin, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tri thức, người sàng lọc tài nguyên thông tin… Như vậy, có rất nhiều cơ hội cho NLTV trong môi trường số, đặc biệt là trong môi trường Internet và Web cung cấp dịch vụ thông tin một cách dễ dàng, kịp thời và thích hợp cho NSD.
Từ “thư viện xanh” của thế giới đến không gian tri thức thân thiện ở Việt Nam…
Thư viện Việt Nam đang biến đổi theo hướng phát triển và hội nhập. Trong quá trình đi lên đó, tổ chức không gian thư viện là vấn đề vô cùng quan trọng trong xây dựng các thư viện hiện đại. Không gian thư viện phù hợp sẽ góp phần cải thiện môi trường phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho NSD phát huy sáng tạo, phát triển các tiềm năng của mình một cách toàn diện.
Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhận định “Hệ thống thiết chế văn hoá và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hoá còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Đầu tư cho lĩnh vực văn hoá chưa tương xứng và còn dàn trải” và nêu rõ định hướng nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển tới là “Xây dựng một số công trình văn hoá trọng điểm. Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hoá phù hợp (thư viện, nhà văn hoá, công trình thể thao...)... Gắn kết xây dựng môi trường văn hoá với bảo vệ môi trường sinh thái…”.
Có thể thấy trong thời gian qua, Nhà nước đã có sự quan tâm và đầu tư nhất định cho ngành Thư viện Việt Nam về cơ sở vật chất. Nhiều thư viện, bao gồm cả thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và thư viện trường học được xây dựng trụ sở mới, lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, tuy nhiên vẫn thiếu một sự đầu tư tổng thể, đồng bộ mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài trong tổ chức không gian thư viện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các thư viện tại Việt Nam.
Với các thư viện Việt Nam, lộ trình để xây dựng được “thư viện xanh” như các nước phát triển trên thế giới cần thời gian cho tư duy và tầm nhìn dài hạn, chính sách linh hoạt và chủ động, đầu tư trọng điểm và phù hợp… Để thực hiện được điều đó trong tương lai gần, trước mắt trong điều kiện hiện có, thư viện Việt Nam phải làm tốt việc tổ chức không gian tri thức thân thiện trong thư viện, trong đó cần quan tâm đến những vấn đề cốt lõi, có tính quyết định căn bản như sau:
- Liên quan đến chính sách: Nghiên cứu các tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng cho toà nhà và khuôn viên thư viện đáp ứng các yêu cầu công năng của thư viện hiện đại;
- Liên quan đến kỹ thuật: Xác định rõ cơ cấu tổ chức và dây chuyền công nghệ của thư viện hiện đại trong điều kiện thực tế của Việt Nam từ đó định hình, bố trí không gian cho các khu vực hoạt động hiệu quả;
- Liên quan đến công tác phục vụ: Tạo lập môi trường đọc thân thiện, phát huy tối đa giá trị vốn tài liệu lưu giữ, tôn trọng và tạo điều kiện cho NSD thư viện được tiếp cận, khai thác nguồn tài liệu có chất lượng, chủ động khơi gợi, tìm hiểu nhu cầu thông tin mới để phục vụ;
- Liên quan đến môi trường đọc: Xác định đối tượng chính cần quan tâm là NSD thư viện và nhu cầu ngày càng tăng của họ về một không gian thoải mái thúc đẩy cảm hứng và động lực sáng tạo, dịch vụ thân thiện, do đó tạo lập các cảnh quan, không gian sinh thái xanh trong nhà hoặc trong khuôn viên thư viện, góp phần thu hút và mang lại sự hứng khởi cho NSD thư viện;
- Liên quan đến kinh nghiệm thực tiễn: Đánh giá các dự án xây dựng và trang thiết bị đã được thực hiện trong thời gian gần nhất để làm tham khảo cho các dự án tiếp sau; tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm của các thư viện nước ngoài trong giải quyết vấn đề này.
Lời kết
Trong khi Internet đã trở thành kênh thông tin được nhiều người lựa chọn, sách in vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn các kiến thức và mặc nhiên, thư viện truyền thống vẫn có vai trò nhất định trong cộng đồng. Chỉ có điều nó sẽ phát triển theo xu thế hiện đại của thư viện thế kỷ XXI là gắn kết với môi trường sinh thái bằng các thiết kế màu xanh lá cây, tận dụng nguồn vật liệu tái chế, năng lượng và nước được bảo tồn, chất lượng không khí tăng lên, chi phí vận hành giảm xuống, dịch vụ thân thiện hơn. Có chăng, đây chính là thời điểm thích hợp để thay đổi căn bản quan niệm về tổ chức các thư viện của Việt Nam?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giải pháp xây dựng môi trường đọc thân thiện tại Thư viện Quốc gia Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở / Chủ nhiệm đề tài: Đặng Văn Ức. - H., 2012.
2. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
3. Phan Thị Kim Dung. Tổ chức không gian học tập thân thiện, điểm đến yêu thích của mọi người // Báo cáo đề dẫn Hội thảo Tổ chức không gian thư viện năm 2014.
4. Anil Kumar Dhiman. Librarian to Cybrarian : Changing Roles and Responsibilities of Library Profe- ssionals. - Ahmedabad : INFLIBNET Centre, 2010.
5. Antonelli, Monika. The Green library movement : An overview of green library literature and actions from 1979 to the future of green libraries // Electronic Green Journal. - 2008. - No. 1 (27). - P. 1-11.
6. Genovese, Peter andPatricia Albanese. Sustainable libraries, Sustainable Services: A Global view // IFLA. - 2011.
________________
Nguyễn Ngọc Anh
Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 1. - Tr. 12-16.