18/03/2022 10:43

Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin trong các trường đại học hướng tới mô hình đại học nghiên cứu

1. Đổi mới sự nghiệp giáo dục và những yêu cầu đặt ra trong hoạt động thư viện - thông tin ở các trường đại học

Bước vào thế kỷ XXI, giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, đến mục tiêu, nội dung, phương pháp và cơ chế, chính sách, các điều kiện thực hiện; cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học và nâng cao chất lượng đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định: Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực [4].

Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 nêu rõ: Đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước [5].

 Luật Giáo dục đại học (được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013) quy định các cơ sở giáo dục đại học sẽ được phân tầng thành: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo. Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng giáo dục đại học, ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học (khoản 4 và 5, điều 9, Luật Giáo dục đại học). Hiện nay, những trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới đều là các trường đại học nghiên cứu. Trong định hướng phát triển của mình, nhiều trường đại học ở Việt Nam đều có xu thế tập trung phát triển theo mô hình này. Có nhiều tiêu chí để hình thành một đại học nghiên cứu, trong đó hệ thống sản phẩm, dịch vụ, nguồn học liệu là một trong những tiêu chí quan trọng. Xu thế phát triển mô hình trường đại học nghiên cứu, hình thức đào tạo từ xa… cũng như phương pháp giảng dạy kích thích tính tích cực và chủ động của người học đã đòi hỏi và tạo điều kiện nâng cao vai trò, vị thế của các thư viện.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong đó đặc biệt là nâng cao được năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học đòi hỏi các thư viện đại học (TVĐH) phải không ngừng đổi mới, luôn sẵn sàng trợ giúp cho người học và người dạy trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, thoả mãn các nhu cầu tin hình thành trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Các TVĐH cần đảm nhiệm tốt vai trò là cầu nối giữa người dùng tin (NDT) với các nguồn thông tin, giữa NDT với nhau, đặc biệt là giữa người dạy và người học. Hệ thống sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin (TVTT) được cung cấp hay tạo lập dành cho NDT chính là cầu nối, là thước đo phản ánh hiệu quả hoạt động và trình độ phát triển của thư viện, được tạo lập trên cơ sở nhu cầu của NDT và sự ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông. Việc sử dụng các dịch vụ thông tin hiện đại, nhất là các dịch vụ trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng góp phần làm cho tương tác người dạy - người học được tiến hành có hiệu quả hơn trên mọi phương diện. Chỉ có một hệ thống sản phẩm và dịch vụ TVTT chất lượng, phát triển theo xu hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, thân thiện phù hợp với nhu cầu và các điều kiện khai thác của NDT, mới đáp ứng  được vai trò, thách thức đang đặt ra cho hoạt động TVTT trong các trường đại học. Vì vậy, việc phát triển hệ thống sản phẩm và dịch vụ TVTT, phục vụ tốt hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay mang tính cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

2. Xu hướng phát triển của thư viện đại học giai đoạn hiện nay

 Các vấn đề của TVĐH được quan tâm một cách rất sâu rộng trong cộng đồng thư viện thế giới, nhất là tại những nước có truyền thống giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở đỉnh cao như Mỹ, Canada, Ôxtrâylia, Anh, Pháp… Tiêu biểu, các tổ chức tại Mỹ - Hiệp hội Thư viện đại học và Nghiên cứu (ACRL), tại Anh - Viện đào tạo người làm thư viện chuyên nghiệp Chartered (CILIP) luôn triển khai và phổ biến các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu toàn diện về TVĐH trong bối cảnh thế giới hiện nay. Ví dụ, định kỳ theo chu kỳ 2 năm, ACRL công bố nghiên cứu khảo sát về các xu hướng phát triển chủ đạo (Top Trends) của TVĐH trên thế giới [22]. Ngoài ra, các xu hướng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hoạt động TVTT trên thế giới cũng luôn đặt ra các nội dung, vấn đề và nhiệm vụ mới trong bối cảnh sự phát triển xã hội theo hướng xã hội tri thức, xã hội học tập (Learning Society) mang tính toàn cầu hoá một cách sâu rộng và được phát triển trong môi trường mạng. Khi đặt vấn đề nhận diện các nhiệm vụ trọng tâm của TVĐH nghiên cứu giai đoạn hiện nay, chúng tôi xuất phát từ các tiền đề sau:

(1) Thư viện là một bộ phận không tách rời của trường đại học. Thư viện chỉ có thể phát triển khi trực tiếp tham gia và đóng góp vào quá trình phát triển chung của trường đại học. Vì vậy, sự đổi mới và các nhiệm vụ của TVĐH phụ thuộc chặt chẽ vào sự đổi mới, nhu cầu phát triển và các điều kiện cho phép của mỗi trường đại học.

(2) Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là quá trình diễn ra trên mọi lĩnh vực trong xã hội hiện đại. TVĐH phải trở thành một trong số các thiết chế, phương tiện triển khai và phản chiếu quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế của trường đại học.

(3) TVĐH là một bộ phận quan trọng cấu thành của cộng đồng các cơ quan TVTT trên thế giới. Vì vậy, xu thế phát triển các nhiệm vụ trọng tâm của TVĐH phải phù hợp với xu thế phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm của cộng đồng này trên mọi phạm vi.

Trong một nghiên cứu về xu hướng phát triển của TVĐH trong thế kỷ XXI, D.W. Lewis đã phác thảo 5 định hướng hoạt động đối với các TVĐH giai đoạn 2005 - 2025. Cụ thể các định hướng đó là: (i) Hoàn tất việc chuyển dịch từ nguồn tài liệu in sang bộ sưu tập số; (ii) Thực hiện một cách có hiệu quả công tác lưu giữ lâu dài đối với bộ sưu tập in thuộc dạng di sản và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ truy cập đến nguồn tài liệu đặc biệt này; (iii) Phát triển theo hướng tái cấu trúc không gian thư viện để có thể phục vụ một cách linh hoạt việc học tập của sinh viên. Không ngừng phát triển và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho người dùng của các thư viện có mối quan hệ liên kết với thư viện của trường đại học; (iv) Tổ chức lại các tiện ích, nguồn tin và các loại hình dịch vụ của thư viện theo hướng tích hợp hài hoà vào chuỗi hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Môi trường diễn ra chuỗi hoạt động này bao gồm cả hệ thống nguồn nhân lực và các phương tiện tin học hoá ngày càng được gia tăng. Sự quan tâm đặc biệt cần được hướng vào các cấu trúc và hệ thống mở, các mô hình thư viện phi tập trung; (v) Chuyển dịch trọng tâm của các bộ sưu tập từ việc đặt mua tài liệu, bổ sung nguồn tin sang trọng tâm là quản trị nội dung [20]. Qua đó nhận thấy, Thư viện (thông qua các chỉ số phản ánh tổ chức và hoạt động của nó) trở thành một trong số các tiêu chí quan trọng được sử dụng để đánh giá chất lượng nghiên cứu, đào tạo và xếp hạng trường đại học. TVĐH đang và sẽ không chỉ còn đơn giản là nơi lưu trữ, bảo quản và cung cấp tài liệu học tập đến người dùng một cách giản đơn như đã từng tồn tại suốt một khoảng thời gian dài. Càng ngày, tính biệt lập, khép kín của thư viện càng giảm thiểu, để các thư viện gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học, hội nhập với bên ngoài một cách có hiệu quả và tích cực hơn. Với mô hình tổ chức đào tạo mới - môi trường số, nguồn thông tin số/ học liệu số trực tuyến đang trở thành xu thế quan trọng để phục vụ hoạt động nghiên cứu, đào tạo.

3. Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thư viện – thông tin phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại trường đại học, hướng tới mô hình đại học nghiên cứu

 Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm và xu hướng phát triển của các TVĐH thế giới, chúng tôi xin trình bày khái lược về các nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ TVTT phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại các trường đại học giai đoạn hiện nay.

3.1. Phát triển nguồn học liệu số và xây dựng phương thức cung cấp các đề cương, bài giảng trực tuyến

Các tác động của phương thức đào tạo theo tín chỉ, việc triển khai đào tạo E-learning, đã và đang đặt ra rất nhiều nhiệm vụ khó khăn cho các TVĐH.

Học liệu (Learning Resources) theo nghĩa chung nhất được hiểu là tài liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Học liệu bao gồm: sách chuyên khảo, giáo trình, bài giảng, kết quả nghiên cứu khoa học, báo, tạp chí chuyên ngành, khoá luận, luận văn, luận án, kỷ yếu hội thảo khoa học, báo cáo thực tập, thực tế, điền dã và các tài liệu chuyên ngành khác. Những thành tựu của công nghệ thông tin tạo nên sự phát triển nguồn tin dạng số và công tác số hoá tài liệu đã dẫn tới sự xuất hiện học liệu số. Có thể phân chia sự hình thành của học liệu số thành hai dạng: Thứ nhất, đó là các nguồn học liệu xuất phát từ dạng truyền thống (in trên giấy) đã được số hoá, lưu giữ dưới dạng điện tử và được quản lý bởi các phần mềm máy tính; Thứ hai, đó là các nguồn học liệu mà bản thân ngay từ khi hình thành đã ở dạng số. Nhìn chung, có thể thấy nguồn học liệu số là nguồn học liệu được lưu trữ trên các phương tiện thông tin điện tử, được khai thác và phát tán trực tuyến thông qua hệ thống mạng thông tin, đặc biệt là Internet.

Đối với sinh viên, học liệu bao gồm đề cương môn học và các tài liệu được giảng viên liệt kê trong danh mục học liệu chính. Danh mục này là các tài liệu tham khảo thiết yếu mà giảng viên chỉ rõ các nội dung cần thiết mà sinh viên cần nghiên cứu trong quá trình thực hiện môn học. Như vậy, ở đây, giảng viên là người cung cấp đề cương môn học và ít nhất là danh mục học liệu chính. Trên cơ sở đó, thư viện cần phối hợp với giảng viên để có được các học liệu gốc tương ứng. Tại nhiều trường đại học ở nước ta, đề cương môn học dưới dạng tệp dữ liệu được giảng viên giao nộp cho thư viện trước khi triển khai môn học, sau đó thư viện sẽ gửi tệp dữ liệu đó đến người học qua địa chỉ email cá nhân đã đăng ký với thư viện. Ở trường đại học nghiên cứu, để hỗ trợ và khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, khi cần thiết, học liệu chính còn có thể mở rộng đến toàn văn một bộ phận nguồn tin khoa học nội sinh của trường là các luận án, luận văn, báo cáo kết quả nghiên cứu, các đề tài khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học, điều này được thực hiện nhờ một chính sách thống nhất trong công tác quản lý nguồn tin nội sinh của trường trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành [3,11].

Đối với học viên cao học và nghiên cứu sinh, nguồn học liệu cơ bản ngoài các tài liệu dạng trên còn có thể được mở rộng đến danh mục các tạp chí hạt nhân của ngành/ lĩnh vực nghiên cứu (ở trong và ngoài nước). Thư viện sẽ lựa chọn một giải pháp thích hợp để cố gắng cung cấp đến nhóm này toàn văn tài liệu gốc. Thông thường, giải pháp lựa chọn rất phổ biến hiện nay là liên kết, trao đổi, chia sẻ hoặc bổ sung để có thể được quyền khai thác, truy cập các cơ sở dữ liệu trực tuyến (Proquest Central, Sciencedirect...).                               

Điều đáng quan tâm ở đây là các khác biệt và đổi mới trong nhiệm vụ bảo đảm cung cấp nguồn học liệu chính của thư viện, đáp ứng với việc đổi mới căn bản trong hoạt động đào tạo tại trường đại học: đào tạo theo tín chỉ (Credit) và mô hình đào tạo trên môi trường mạng (E-learning). Điều này đòi hỏi các học liệu cần được tồn tại dưới dạng các nguồn tin trực tuyến, thư viện cần đảm bảo được phép triển khai hoạt động của mình trên một cơ sở hạ tầng thông tin phù hợp (đòi hỏi này về cơ bản các TVĐH đã được đáp ứng). Vấn đề cần được khai thông ở đây chính là lãnh đạo trường đại học ban hành và thực thi một chính sách thống nhất đối với việc giao nộp học liệu từ phía giảng viên, còn thư viện cần nghiên cứu, xây dựng mô hình và cơ chế thích hợp để bảo đảm cung cấp nguồn học liệu phục vụ nghiên cứu và học tập đến người học một cách linh hoạt, kịp thời, thuận lợi, trên cơ sở thực hiện đúng các quy định Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiều mô hình cung cấp nguồn học liệu có hiệu quả đã được triển khai tại hầu hết các đại học lớn trên thế giới, như Viện Công nghệ Masachuchest (Mỹ) đã sử dụng mô hình cung cấp các đề cương bài giảng trực tuyến qua cổng thông tin của mình…

3.2. Triển khai các loại dịch vụ trực tiếp phục vụ nghiên cứu giảng dạy, học tập, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ

Thư viện cần chú trọng tới việc xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với đội ngũ giảng viên và bộ máy tổ chức của trường đại học để phát triển các dịch vụ tích hợp giữa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hoạt động TVTT, đặc biệt là tại khuôn viên thư viện. Đây là một trong các xu hướng chủ đạo của hầu hết các TVĐH trên thế giới nhằm đa dạng hoá các hoạt động phục vụ, tận dụng tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ người làm thư viện. Ví dụ, tại nhiều TVĐH ở nước ta hiện nay, NDT (giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên…) có thể đăng ký với thư viện sử dụng một khu vực (phòng kèm theo các trang thiết bị như máy tính, máy chiếu… với các quy mô khác nhau) của thư viện để tiến hành các Hội thảo, Hội thảo khoa học, làm việc nhóm… Mở rộng ra, đó là các hoạt động quảng bá, giới thiệu, marketing… của các doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp thông tin - xuất bản, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên có sự hiểu biết đầy đủ hơn về nghề nghiệp và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, giúp họ tham gia vào các hoạt động, phong trào xã hội...

3.3. Triển khai dịch vụ xuất bản trực tuyến tại thư viện

Trước hết, cần xác định đây là loại hình dịch vụ mới mà các TVĐH nghiên cứu cần tiếp cận và triển khai. Những năm gần đây, một trong các xu hướng phát triển của các TVĐH là việc đẩy mạnh và gắn kết hoạt động xuất bản tài liệu khoa học vào hoạt động TVTT như vẫn thường thấy để phát triển một loại hình dịch vụ mới – dịch vụ xuất bản tại thư viện (Library Publishing Service). Từng bước triển khai dịch vụ xuất bản, trước mắt là xuất bản đề cương bài giảng, giáo trình, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị khoa học và hướng theo phương thức xuất bản điện tử, xuất bản trực tuyến. Kế hoạch chiến lược của Hội các TVĐH 2010 - 2012 (ARL Strategic Plan 2010 - 2012) cho thấy tầm quan trọng của việc thử nghiệm dịch vụ xuất bản tại thư viện. Người ta đã xác định việc TVĐH triển khai các dịch vụ xuất bản là loại hoạt động mang tính chất lâu dài. Trước đó, để phản ánh sự phát triển dịch vụ xuất bản tại TVĐH, K.L. Hahn đã đưa ra các số liệu: Tới cuối năm 2007, có tới 43% trong số 80 thành viên của Hội TVĐH đã triển khai dịch vụ xuất bản, 21% các thư viện thành viên đã đưa nội dung xuất bản tài liệu khoa học vào kế hoạch hoạt động của mình và chỉ có 36% các thư viện thành viên chưa quan tâm tới dịch vụ mới này. Cũng trong khảo sát của mình, tác giả cho thấy trong số các thư viện đã triển khai dịch vụ xuất bản, có 88% tham gia xuất bản tạp chí khoa học, 77% tham gia xuất bản các giáo trình, chuyên khảo, 79% tham gia xuất bản các kỷ yếu hội thảo khoa học [16].

Khi đề cập tới việc triển khai dịch vụ xuất bản tại thư viện trong bối cảnh hoạt động xuất bản của trường đại học, K.L. Hahn đưa ra những nhận xét đáng chú ý sau: Thứ nhất, thư viện chỉ tham gia vào việc xuất bản các công trình khoa học đã được thẩm định (peer-reviewed); Thứ hai, thư viện tập trung vào việc xuất bản các công trình thuộc loại rất khó đáp ứng được các đòi hỏi của dịch vụ xuất bản chỉ thuần tuý bị định hướng bởi thị trường [16]. Ngoài ra, cho tới nay, khi bàn về dịch vụ xuất bản tại TVĐH, chủ yếu chỉ đề cập tới phương thức xuất bản trên môi trường mạng - xuất bản trực tuyến. Và hướng tiếp cận này cũng chính là xu hướng phát triển dịch vụ xuất bản tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới. Phân tích một cách cặn kẽ, có thể thấy phát triển nguồn học liệu trực tuyến của mỗi trường đại học, về bản chất cũng chính là công việc được thực hiện thông qua dịch vụ xuất bản tại TVĐH. Vì thế, nếu như dịch vụ xuất bản tại TVĐH được chú trọng phát triển một cách toàn diện theo hướng tích hợp với các dịch vụ thông tin khác, thì cùng với nó, các vấn đề liên quan tới thông tin phục vụ nghiên cứu và đào tạo tại trường đại học sẽ được giải quyết một cách hệ thống, căn bản, để tạo nên sự đổi mới sâu sắc trong hoạt động của TVĐH và đóng góp mới của TVĐH đối với sự phát triển trường đại học giai đoạn hiện nay. Để các trường đại học sớm hoà nhập vào hệ thống các đại học nghiên cứu trên thế giới, thì việc đổi mới và phát triển TVĐH theo hướng này là hết sức cần thiết.

3.4. Thực hiện các nhiệm vụ thống kê công bố khoa học

Như đã nêu ở trên, một trường đại học chỉ có thể xem là đại học nghiên cứu khi sản phẩm chủ yếu của nó là các kết quả nghiên cứu, thể hiện qua số lượng công bố khoa học và bằng phát minh sáng chế; bên cạnh đó còn là số người có chỉ số trích dẫn cao, số người đạt được những giải thưởng học thuật có uy tín như giải Nobel, giải Fields. Ngày nay, hầu hết các cơ sở dữ liệu (CSDL) khoa học do các doanh nghiệp thông tin và xuất bản có uy tín trên thế giới cung cấp, ngoài chức năng chính là kiểm soát nguồn tin khoa học phục vụ quản lý, khai thác, tìm kiếm thông tin, thì chúng đều thực hiện được chức năng thống kê khoa học. Các số liệu trích dẫn của tài liệu khoa học được E. Garfield - Viện trưởng sáng lập Viện Thông tin khoa học Mỹ - sử dụng làm cơ sở để xây dựng nên các chỉ số khoa học đặc trưng (Chỉ số tác động Impact Factor - IF) từ năm 1962. Ban đầu, các chỉ số này chủ yếu là được sử dụng để đánh giá và xếp hạng các tạp chí khoa học và trực tiếp phục vụ công tác bổ sung, phát triển nguồn tin của thư viện. Sau này, IF và một số loại chỉ số khác (cũng được xây dựng trên cơ sở nòng cốt là thống kê trích dẫn. Ví dụ, H-Index được sử dụng để đánh giá và xếp hạng đối với mọi chủ thể tham gia vào hoạt động khoa học: từ cá nhân, đến các cộng đồng khoa học, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và các quốc gia. Có thể nói, sự ra đời thế hệ CSDL mới này là nhờ dựa vào các thành tựu nghiên cứu của trắc lượng thư mục (Bibliometrics), một hướng nghiên cứu dựa trên phương pháp thống kê đối với việc trích dẫn trong các tài liệu khoa học. Thế hệ CSDL này đã giúp các thư viện/ cơ quan thông tin nâng cao được vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển các tổ chức nghiên cứu, đào tạo - các trường đại học giai đoạn hiện nay. Ở đây, trắc lượng thư mục đã trở thành công cụ không thể thiếu trong việc đánh giá các trường đại học.

Có thể thấy đây là một trong các nhiệm vụ mới và rất phức tạp đối với công tác TVTT nước ta nói chung. Ngoài việc cập nhật và tìm hiểu các kết quả nghiên cứu ứng dụng phổ biến ở trong và ngoài nước, thời gian tới, TVĐH cần xác định và lựa chọn bộ phận nguồn tin nội sinh để tạo lập loại CSDL có khả năng đáp ứng yêu cầu thống kê khoa học. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, thư viện cần có sự hỗ trợ, hợp tác từ nhiều phía, trong đó quan trọng là của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.

4. Kết luận

Có thể nói, năng lực hoạt động và chất lượng phục vụ của các thư viện là một trong những tham số quan trọng phản chiếu uy tín, thương hiệu của mỗi trường đại học. Trên thực tế, ý nghĩa và những tác động tích cực của hoạt động TVTT trong trường đại học ngày càng được nhận biết một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Càng ngày, hệ thống các sản phẩm và dịch vụ thông tin được khai thác, sử dụng sẽ trở nên thân thiện và hữu ích đối với người dùng tin trong các trường đại học. Mục đích cao nhất cần đạt tới là thực hiện có hiệu quả phương châm hành động “Tất cả vì người dùng tin”, đồng thời xem việc thoả mãn nhu cầu thông tin tri thức của người dạy, người học, người nghiên cứu là nhiệm vụ trung tâm, đó chính là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của thư viện.

Trong thời gian tới, với xu thế phát triển chung của xã hội, sẽ dần hình thành các đại học nghiên cứu, đại học điện tử. Cùng với việc thực hiện sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nước nhà, cần đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống thư viện trong trường đại học. Đây chính là một trong những nhân tố, điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đánh giá xếp hạng trường đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. - H.: Chính trị Quốc gia, 2011.

2. Luật giáo dục đại học. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

3. Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.

4. Nghị quyết số 29/NQ – TW ngày 04/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

5. Nghị quyết số 14/2005/NQ–CP ngày 02/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

6. Nguyễn Huy Chương. Nghiên cứu, thiết kế mô hình và xây dựng thử nghiệm nguồn học liệu trực tuyến phục vụ đào tạo chất lượng cao cho một số ngành, chuyên ngành tại Đại học Quốc gia Hà Nội : Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

7. Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.

8. Quyết định số 771/2012/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”.

9. Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

10. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt  Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

11. Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về khoa học và công nghệ.

12. Trần Thị Minh Nguyệt. Hoạt động thông tin - thư viện các trường đại học phục vụ học chế tín chỉ : Báo cáo khoa học. http://113.190.240.60:8082/jspui/handle/123456789/134, truy cập ngày 21/5/2014.

13. Trần Thị Quý, Đỗ Văn Hùng, Phạm Tiến Toàn. Quản trị nguồn học liệu số tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hoạt động thông tin - thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam. - H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014. - Tr. 494-511.

14. Attis D. Redefining the Academic Library : Managing the Migration to Digital Information Services. -  Ontario: McMaster University, 2013.

15. Curtis G., Daves C. Academic Libraries in the Futurehttp://www.sconul.ac.uk/publications. Truy cập ngày 21/5/2014.

16. Hahn K.L. Research Library Publishing Services: New Options for University Publishing. - Washington: ARL., 2008. - 41 p.

17. Hasan M.M., Nantajeewarawat E. Tiến tới các dịch vụ thư viện số thông minh và tuỳ biến / Vũ Văn Sơn dịch // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2010. - Số 3. - Tr. 35-41.

18. Kaufman P. Developing New Models of Service. - Illinois: University Library, 2012. - 28 p.

19. Kemp D.A. Current Awareness Services. - Neww York: Clive Bingley Ltd., 1979. - 181 p.

20. Lewis D.W. The Strategy for Academic Libraries in the First Quarter of the 21st Century // College and Research Libraries. - 2007. - September. - P. 418-434.

21. Walters T“The Future Role of Publishing Services in University Libraries” // The Johns  Hopkins University Press. - 2012. - Vol. 23. - No.4. - P. 425-454. 

22. 2014 Top Trends in Academic Libraries: A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education./ACRL Research Planning and Review Committee.

PHỤ LỤC

CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

 Ngày 23/4/2013, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 1206 /HD-ĐBCLGD - các tiêu chí về trường đại học nghiên cứu, gồm 4 tiêu chuẩn như sau:

* Tiêu chuẩn 1: Thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức

- Tỷ lệ bài báo khoa học bình quân trên giảng viên.

- Số lượng trích dẫn bình quân trên bài báo.

- Số lượng sách chuyên khảo.

- Sản phẩm khoa học và công nghệ tiêu biểu quốc gia.

- Số lượng giải thưởng khoa học.

- Số lượng các nhà khoa học được mời đọc báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế.

- Tỷ lệ kinh phí từ nghiên cứu khoa học trên tổng kinh phí hoạt động của trường.

- Tỷ lệ thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ và chuyển giao tri thức trên tổng thu từ hoạt động khoa học và công nghệ.

- Phát minh, sáng chế, tư vấn chính sách được áp dụng.

- Hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, địa phương.

- Chuyển giao tri thức.

- Đánh giá của các học giả quốc tế.

* Tiêu chuẩn 2: Chất lượng đào tạo

- Tỷ lệ giảng viên/ người học.

- Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên.

- Tỷ lệ quy mô đào tạo sau đại học (trên tổng quy mô đào tạo).

- Tỷ lệ quy mô đào tạo tiến sỹ.

- Tỷ lệ bằng tiến sỹ (trên tổng số bằng cử nhân) được cấp hàng năm.

- Tỷ lệ nghiên cứu sinh sau tiến sỹ.

- Mức độ hài lòng của người học.

- Đánh giá của các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế.

* Tiêu chuẩn 3: Mức độ quốc tế hoá

- Tỷ lệ giảng viên quốc tế.

- Tỷ lệ người học là người nước ngoài.

- Số lượng các đề tài, chương trình hợp tác quốc tế có công bố quốc tế chung.

* Tiêu chuẩn 4: Cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học

 - Trang thiết bị, cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, phòng thực hành.

- Cơ sở học liệu.

- Công nghệ thông tin và thông tin khoa học

___________

Vũ Duy Hiệp

Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào, trường Đại học Vinh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 4. - Tr. 38-45.

Lên đầu trang