Sáng ngày 18/10/2024, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Hà Nội dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan liên quan thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học liên quan trên toàn quốc; một số cơ sở giáo dục; các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; công ty luật…
Toàn cảnh Hội thảo
Tham gia buổi Hội thảo có sự tham gia của 4 thành viên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Theo quyết định gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, bà Lã Thị Vân (Đại diện cho Trung tâm Thư viện và Công nghệ thông tin); Ông Nguyễn Đức Mạnh, ông Nguyễn Viết Luyện (Đại diện cho Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế).
8h.30' Buổi Hội thảo bắt đầu làm việc. Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh: Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng ngày càng được đặt ra trên tất cả các hoạt động kinh tế, thương mại, nghiên cứu, giáo dục. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong tất cả diễn đàn thương mại quốc tế, vấn đề bản quyền đang được đặt ra rất nóng, được các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm.
Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương và 17 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển. Song đó, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tiến bộ, khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao, các quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ và thực thi hiệu quả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo và truyền bá tri thức.
Với mục đích tổ chức nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong lĩnh vực bản quyền tác giả và các lĩnh vực liên quan về thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay, hội thảo đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các công ty, văn phòng luật sư hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận, cung cấp thông tin về một số nội dung cơ bản, quan trọng của các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Buổi Hội thảo diễn ra 3 phiên:
Phiên 1: Gồm 3 tham luận đến từ lãnh đão các Trường Đại học trong cả nước. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như biện pháp thực thi các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nói chung, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói riêng; việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Mở đầu phiên tham luận, ThS. Phạm Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền tác giả. Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức đúng về vai trò của việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số ngành thư viện. Thứ ba, Trường, Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để đảm bảo hệ thống máy chủ thư viện không bị tấn công; tăng cường bảo vệ các thiết bị, tài khoản cá nhân khi sử dụng tài nguyên thông tin số.
Các đại biểu báo cáo tham luận tại hội thảo.
ThS. Trần Quang Trung, Phó trưởng Khoa Luật, Đại học Duy Tân Đà Nẵng bổ sung một số kiến nghị: Cần hoàn thiện pháp luật rõ ràng hơn, tránh những quy định mập mờ dẫn đến suy diễn mâu thuẫn nhau, đồng thời pháp luật cần mở rộng quyền sao chép trong một số trường hợp cụ thể. Theo ông, những sản phẩm khoa học sử dụng một phần hoặc toàn bộ ngân sách nhà nước nên cần thu hẹp các giới hạn về quyền tác giả, mở rộng quyền tiếp cận và sử dụng của công chúng nếu không nhằm mục đích thương mại, như học tập, nghiên cứu của sinh viên/học viên, cho thấy hiệu quả và tính chính đáng của các công trình đầu tư công.
Bên cạnh đó, ThS. Trần Quang Trung cũng đưa ý kiến về việc xem xét xây dựng, tách quyền tác giả khỏi quyền sở hữu trí tuệ để có những quy định rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn.
Phiên 2: Gồm 4 tham luận. Đặc biệt là tham luận của TS. Phùng Thị Yến, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đưa ra một số ý kiến kiến nghị như sau: Nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển của công nghệ số, Việt Nam nên cân nhắc đưa vào và công nhận yếu tố trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể là trong phân loại tác phẩm về chương trình máy tính, những tác phẩm tạo ra AI cũng nên được ghi nhận nhằm thể hiện xu hướng phát triển tiến bộ của pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo thêm quy định của CDPA 1988 về vấn đề chủ sở hữu của tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động để sửa đổi và bổ sung theo hướng chặt chẽ, tiến bộ, toàn diện hơn về vấn đề xác định xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm. Cuối cùng là cần đưa ra hướng dẫn chung về mức độ cụ thể của việc sử dụng hợp lý các tác phẩm khoa học trong vấn đề điều kiện bảo hộ quyền tác giả.
Phiên 3: Thông qua Hội thảo, Cục Bản quyền tác giả có thêm nhiều ý kiến đóng góp tích cực nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học./.
Lã Thị Vân